Xin chào mọi người,

Trang web này được thành lập nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cà phê chồn về các vấn đề bảo tồn cầy, cũng như phúc lợi của cầy và các bệnh truyền nhiễm từ động vật có thể liên quan đến các trang trại cầy, chồn (cà phê chồn) ở Việt Nam. 

Trong một thập kỷ, cầy hoang dã đã bị bắt, săn bắn và bẫy để duy trì các trang trại cầy (cà phê chồn) và các nhà hàng thịt thú rừng. Nhiều loài như Cầy vằn, Cầy giông đốm lớn, Cầy mực đang bị đe dọa tuyệt chủng do các nguyên nhân đó. Hiện nay, tất cả các loài cầy ở Việt Nam đều là các loài đang bị đe dọa ở quy mô toàn cầu.

Cầy hoang dã thường đã bị thương trong quá trình bắt giữ, khi được đưa đến các trang trại thì chúng bị nhốt trong các khu chuồng nhỏ không đủ đảm bảo về điều kiện vệ sinh, ăn uống. Chúng gầy yếu và suy dinh dưỡng do không được cung cấp loại thức ăn thích hợp và bị ép phải ăn cà phê. Cầy bị bỏ đói gần như cả ngày để chúng có thể ăn nhiều quả cà phê hơn và tạo ra nhiều cà phê hơn. Đối tượng tiêu thụ chính của cà phê chồn ở Việt Nam hiện nay là khách du lịch đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, bao gồm Mỹ, Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v. và những người giàu có ở Đông Nam Á.

Thịt cầy là một trong những loại thịt thú rừng được tiêu thụ phổ biến ở Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Các trang trại nuôi cầy ở Việt Nam hiện nay vẫn hợp pháp, tuy nhiên, không có phương pháp rõ ràng nào hướng dẫn về cách nuôi cầy để đảm bảo điều kiện nuôi nhốt và tiêu chuẩn an toàn sinh học. Nhiều cá thể cầy đã chết do nhiễm chất độc và suy dinh dưỡng do phải ăn quá nhiều quả cà phê. 

Vào năm 2020, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại 57 trang trại cầy ở tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam. Hơn 50% trong đó là cầy có nguồn gốc hoang dã bị buôn bán để cung cấp cho các trang trại, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các quần thể cầy ngoài tự nhiên. Trong số các loài cầy bị nuôi nhốt này, có cả các cá thể Cầy vằn (Nguy cấp), Cầy mực (Sắp nguy cấp). Đặc biệt Cầy mực là loài không tìm thấy trong rừng tự nhiên ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ nhưng lại được tìm thấy trong các trang trại này. 

Do điều kiện nuôi nhốt không đảm bảo, các cá thể cầy bị suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm các loại bệnh. Nguy hiểm hơn, các loại bệnh này có thể lây sang người và có thể gây chết hàng nghìn người, ví dụ như SARS là bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ loài cầy v.v. Tỷ lệ cầy tử vong ở các trang trại đều khá cao, bảy trong số các trang trại được khảo sát đã phải đóng cửa vì tất cả các cá thể cầy từng bị chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.


Cà phê chồn: sang chảnh hay tra tấn?

Cầy bị ép ăn để tạo ra nhiều cà phê nhất có thể

Chất lượng của các trang trại thường không được kiểm soát. Cà phê chồn bị trộn với các loại cà phê khác và bán cho những người tiêu dùng không sành sỏi.

Lợi nhuận cao nhưng cái giá phải trả là sự đau khổ suốt đời của các cá thể động vật bị nuôi nhốt

Trang trại cà phê chồn: cơn ác mộng của động vật hoang dã

Hầu hết các trang trại đều không thể cung cấp cho cầy được khẩu phần ăn như ngoài tự nhiên, cả nguồn nước sạch cũng bị hạn chế

Điều kiện vệ sinh, y tế không đảm bảo tiêu chuẩn khiến các trang trại trở thành các ổ dịch tiềm ẩn, gây ra các đại dịch không lường trước được

Tình trạng nuôi nhốt chật hẹp, chung nhiều cá thể gây bất lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất của cầy, là loài động vật vốn sống đơn độc

Các trang trại cam kết không nuôi nhốt cầy trong chuồng cũng không thể đảm bảo 100% cầy được tự do hoàn toàn

Tác động của cà phê chồn đến quần thể cầy hoang dã ngoài tự nhiên

Nhiều cá thể cầy trong các trang trại có nguồn gốc từ việc săn bắt từ tự nhiên hoặc buôn bán trái phép

Tất cả các loài cầy ở Việt Nam đang bị đe doạ ở quy mô toàn cầu

Các loài động vật khác cũng bị đe dọa, ngay cả những loài không phục vụ mục đích sản xuất cà phê cũng bị săn bắt, khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng

Khảo sát tại Lâm Đồng và Đắk Lắk

Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2020, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 57 trang trại sản xuất cà phê chồn ở Lâm Đồng và Đắk Lắk - hai trong số các tỉnh có số lượng trang trại cà phê chồn nhiều nhất ở Việt Nam

⅓ các trang trại cầy được khảo sát còn nuôi nhốt cả các động vật khác, trong số đó có các loài đang bị đe dọa

Hơn 200 cá thể cầy bị chết cùng một lúc ở cùng một trang trại

Nhỏ hơn 1 mét vuông là kích thước trung bình của các chuồng nuôi nhốt cầy, trong khi ngôi nhà tự nhiên của chúng rộng hàng trăm hecta

Chưa đến 20% các trang trại tiêm vắc xin đầy đủ cho các cá thể cầy

Chúng tôi là ai?

Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (tên tiếng Anh: Save Vietnam’s Wildlife - SVW) là một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam, được thành lập do yêu cầu cấp thiết cần có một giải pháp hiệu quả hơn nhằm đảm bảo tương lai của động vật hoang dã tại Việt Nam. Sau hơn 7 năm thành lập, chúng tôi đã giải cứu được hàng nghìn cá thể động vật khỏi nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, phục hồi và tái thả thành công hàng nghìn cá thể trở lại tự nhiên

Tài liệu tham khảo

Bell, D., Roberton, S., & Hunter, P. R. (2004). Animal origins of SARS coronavirus: Possible links with the international trade in small carnivores. Philosophical Transactions of the Royal Society of London. Series B: Biological Sciences, 359(1447), 1107–1114. https://doi.org/10.1098/rstb.2004.1492

Carder, G., Proctor, H., Schmidt-Burbach, J., & D’cruze, N. (2016). The animal welfare implications of civet coffee tourism in Bali. Animal Welfare, 25(2), 199–205. https://doi.org/10.7120/09627286.25.2.199

Karesh, W. B., Cook, R. A., Bennett, E. L., & Newcomb, J. (2005). Wildlife Trade and Global Disease Emergence. Emerging Infectious Diseases, 11(7), 3.

Nijman, V., Spaan, D., Rode-Margono, E. J., Roberts, P. D., & Nekaris, K. A. I. (2014). Trade in Common Palm Civet Paradoxurus hermaphroditus in Javan and Balinese markets, Indonesia. 51, 8.

Shepherd, C. R. (2008). Civets in trade in Medan, North Sumatra, Indonesia (1997–2001) with notes on legal protection. 3.

Shepherd, C. R. (2012). Observations of small carnivores in Jakarta wildlife markets, Indonesia, with notes on trade in Javan Ferret Badger Melogale orientalis and on the increasing demand for Common Palm Civet Paradoxurus hermaphroditus for civet coffee production. 47, 4.

Shepherd, C. R., & Shepherd, L. A. (2010). The trade in Viverridae and Prionodontidae in Peninsular Malaysia with notes on conservation and legislation. 4.

WCS. (2008). Commercial wildlife farms in Vietnam: A problem or solution for conservation? Wildlife Conservation Society. Hanoi, Vietnam.

Vũ Thị Quyên, Ronan Carvill, Bùi Thị Hà, Douglas Hendrie, David Orders, Aaron Pardy, Greg Nagle, 2017. Một số tồn tại trong hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).

Ye, Z.-W., Yuan, S., Yuen, K.-S., Fung, S.-Y., Chan, C.-P., & Jin, D.-Y. (2020). Zoonotic origins of human coronaviruses. International Journal of Biological Sciences, 16(10), 1686–1697. https://doi.org/10.7150/ijbs.45472


Vietnamese