Dịch bệnh và loài cầy
Các loài động vật, đặc biệt là động vật hoang dã, là vật chủ của rất nhiều loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh khác nhau. Rất nhiều loài trong đó có thể lây sang người, thậm chí đã từng gây ra đại dịch. Những dịch bệnh này được khoa học gọi là Zoonoses, hay những dịch bệnh lây truyền từ động vật. Những dịch bệnh kiểu này rất phổ biến; các nhà khoa học ước tính có khoảng 6 trên 10 tất cả các loại bệnh ở con người có nguồn gốc từ động vật, và cứ 4 dịch bệnh mới được phát hiện thì có tới 3 bắt nguồn từ động vật, trong đó phần lớn là động vật hoang dã.
Giống như hầu hết các loài động vật hoang dã khác, các loài cầy là vật chủ của nhiều dịch bệnh tiềm tàng có thể lây sang người. Đại dịch SARS xuất hiện tại Trung Quốc và các quốc gia lân cận vào năm 2002 xuất phát từ một chủng vi rút corona ở loài dơi lá mũi Trung Quốc (Rhinolophus sinicus) lây sang cho Cầy vòi mốc (Paguma larvata) và cuối cùng là sang người. Ngoài ra, loài Cầy vằn (Chrotogale owstoni) mang trong chúng vi rút cúm A H5N1, cũng đã rất nhiều lần gây mưa gió ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Các loại bệnh khác từ cầy có thể kể đến như bệnh dại và các loại ký sinh trùng như giun, nấm, rận, v.v.
Tình trạng nuôi nhốt chật chội, ẩm thấp trong các trang trại cầy là điều kiện lý tưởng để các dịch bệnh này lây lan. Khi các cá thể cầy bị nhốt chung vào những chiếc chuồng san sát, chỉ cần một cá thể mang bệnh là hàng chục hay thậm chí hàng trăm các cá thể khác sẽ bị lây. Trong một khảo sát ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, ở một trang trại có tới hơn 200 cá thể cầy bị chết đồng loạt do một căn bệnh chưa được biết tới. Cũng theo khảo sát đó, chỉ có 14% các trang trại thực hiện tiêm vắc xin cho cầy, và hầu hết các trang trại đều sử dụng thuốc dành cho lợn hoặc gà để chữa trị cho chúng. Điều này cho thấy rằng, kể cả khi có giấy phép hoạt động, điều kiện vệ sinh và y tế ở các trang trại này đều không được đảm bảo, và tiềm ẩn trong chúng những đại dịch khác có thể phát sinh.
Trên thế giới, đã và đang có rất nhiều dịch bệnh hoành hành có xuất xứ từ động vật hoang dã, trong đó đáng chú ý nhất ở thời điểm gần đây chính là dịch COVID-19, một đại dịch toàn cầu đã gây ra hơn 4,7 triệu cái chết trên toàn thế giới tính tới thời điểm viết bài này. Cũng cho tới thời điểm hiện tại, tuy nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 vẫn chưa được xác nhận, nhưng đại đa số các bằng chứng đều chỉ tới động vật hoang dã, cụ thể là dơi lá đuôi (Rhinolophus affinis) và tê tê Java (Manis javanica). Một dịch bệnh chết người khác là HIV/AIDS, xuất phát từ loài tinh tinh (Pan troglodytes), đã gây ra khoảng 36,3 triệu cái chết tính tới năm 2020.
Khi đại dịch xảy ra, ngoài những hậu quả nặng nề cho con người, những cá thể động vật vô tội cũng bị vạ lây. Vào đầu năm 2004, chính quyền tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc phát động phong trào tiêu hủy tất cả các cá thể cầy để chống chọi với đại dịch SARS, khiến cho hơn 10,000 cá thể các động vật khác nhau bị giết. Điều này có thể ảnh hưởng nặng nề tới các quần thể cầy ngoài tự nhiên, khi bản thân chúng đã bị đe dọa tuyệt chủng. Các hành động tương tự khi một đại dịch khác xảy đến rất có thể sẽ là dấu chấm hết cho sự tồn tại của các loài cầy tự nhiên.